"Làm IT vất vả quá, nhiều áp lực quá? 

Phải học quá nhiều thứ, phải biết quá nhiều điều".


"Lão sếp thật khó tính, gắt như mắm tôm! 

Dự án thì khó, khách hàng cùi bắp. Lúc nào cũng deadline, deadline, deadline".


"Hình như công ty đang trả lương không xứng với những gì mình làm.

Không biết khi nào mình mới có được lương [...M/tháng]?"


"Muốn nhảy việc, có suy nghĩ muốn chuyển sang ngành nghề khác.

Liệu đây có phải là công việc mình đam mê không? hay chỉ đang làm nó vì tiền?"


Đâu là đam mê (passion) của mình?

quê tôi


Trên đây đã từng là những câu hỏi, những suy nghĩ của chính tôi và có thể là cả của bạn nữa.

Tôi đã đi gặp những người anh thành công, đi dự những buổi hội thảo, đăng ký những khóa học, đọc rất nhiều sách báo; travel nhiều nơi để trải nghiệm; để mong tìm ra được passion của tôi.

Tôi nhớ đại ca Linh Nồi (một sếp cũ của tôi) chia sẻ: "Đừng làm việc vì tiền, hãy làm những việc mày thích!".

- "Nhưng anh ơi, em thích "tiền" thì sao ạ : ((".

Đại ca tôi trả lời: "Tiền chỉ là phương tiện thôi, mày phải tìm cái gì mày đam mê? Tao có phải là mày đe'o đâu mà biết mày thích gì."

[Xin lỗi các bạn, anh tôi quen nói tục chửi bậy]

- "Em không biết em thích gì? thứ em thích thì nó lại chẳng mang đến tiền được, chỉ mất tiền thôi anh :( ".

Tôi tiếp tục đi hỏi một ông anh khác - mà tôi coi là người thành công. Mong tìm được câu trả lời cho bản thân mình. Và lần này tôi nhận được lời chia sẻ rất tuyệt vời.

- "Anh sinh ra để làm việc này rồi em ơi".

Đúng vậy. Anh ấy sinh ra để làm việc đó, anh ấy làm việc với một nhiệt huyết, năng lương tràn đầy, và tất nhiên tài chính của anh ấy cũng tràn trề. 

Tôi đi về với trăn trở, thế mình sinh ra để làm gì? Tôi cố nghĩ về bản thân tôi, hồi tưởng lại quá khứ, để cố tìm xem tôi sinh ra với đam mê gì? 

Suy nghĩ biết bao ngày đêm để cố tìm ra xem ngày bé mình đam mê cái quái gì nhỉ?

Và tôi đã tìm được câu trả lời; VÂNG. đam mê ngày bé của tôi là ... ti mẹ : ((

[Con gái của bố nếu có đọc được đoạn này, thì con có thể hiểu được câu chuyện bà nội kể rồi nhá]

=====================================

Tôi vẫn đi làm công việc của mình và tiếp tục đi tìm câu trả lời cho bản thân.

    Khi rảnh, tôi hỗ trợ vài nơi về kỹ thuật, trao đổi và học hỏi cả về kinh nghiệm quản lý, vận hành công ty của họ.

    Tiếp xúc với nhiều người hơn, giúp tôi có những góc nhìn khác hơn về công việc. Có những người thầy đã chia sẻ cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, vốn sống. Tôi cũng học hỏi được rất nhiều điều, cả về cuộc sống lẫn công việc và dành thời gian nhiều hơn để hiểu về bản thân mình.

Khi tôi dừng việc tìm kiếm đam mê của mình, thì tôi dần hiểu về nó là gì. Điều đó thật TUYỆT VỜI.

Đó là bạn phải trải nghiệm đủ lâu và đủ sâu ở một lĩnh vực nào đó.

Đúng vậy, chỉ có trải nghiệm nó đủ lâu và đủ sâu mới có thể trả lời được cho bạn, đó có phải là đam mê của bạn hay không?

Tôi lấy ví dụ thế này. Khi chúng ta chưa biết bơi, chúng ta nhìn những người biết bơi một cách thèm thuồng, và "ước gì"?

Chúng ta theo bạn bè đi tắm sông, hay xịn hơn là đăng ký một khóa tập bơi. Để bơi được, bạn phải biết đạp nước thế nào, quạt tay ra làm sao, thở thế nào. 

Nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm!

Có những người tập nửa buổi đã biết bơi, cũng có những người tập cả tháng chưa biết bơi (nhất là các bạn lớn).

Tại sao bạn lại không thể tập bơi được chứ? Bạn đã nỗ lực hết mình chưa? 

- Nỗ lực lắm rồi. Nhưng mà bơi được mấy mét thở là hết nổi.

    Vậy là chưa đúng phương pháp rồi. Nỗ lực là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Bạn phải có một mindset đúng, một phương pháp đúng và cả một sự nỗ lực tuyệt vời nữa.

Để bơi giỏi, bạn phải biết cách kết hợp việc thở, sử dụng chân và cả tay, rồi hơn nữa là sự uyển chuyển của cả cơ thể (phương pháp đúng) và phải tập bơi thật nhiều (nỗ lực phi thường).

    Hãy tưởng tượng rằng, khi bạn người bơi giỏi rồi, đám bạn bè của bạn sẽ lác mắt nhìn cho coi, rồi bạn bơi cả vài km mà chẳng hề thấy mệt mỏi (thành quả). Rất tuyệt vời phải không nào? 

Đến lúc đó bạn mới thực sự thích bơi, và nếu việc đó cứ phát triển thì không chừng đó chính là đam mê của bạn. 

    Tuy nhiên sau một trải nghiệm đủ lâu và đủ sâu, đôi khi câu trả lời cho chúng ta lại là mình không thực sự thích nó như "mình tưởng".

Chẳng sao cả. đó là một trải nghiệm tuyệt vời phải không :) Nó hoàn toàn xứng đáng, vì ít nhất bạn cũng đã hiểu thêm về bản mình.

    Cuộc sống này luôn bày cho chúng ra rất nhiều thứ để trải nghiệm. Biết cách để mà chọn cái nào, bỏ cái nào cũng là một kỹ năng rất là quan trọng. Có những điều có ích và có những thứ rất tệ hại. 

Ví dụ như ma túy chẳng hạn; theo tôi, bạn chẳng nên trải nghiệm nó dù chỉ một lần.

Nhưng ngay cả những điều có ích đi chăng nữa, thì cũng có rất nhiều. Vậy phải lựa chọn thế nào? trong khi chúng ta chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi.

Làm thế nào đây?

Tôi rất thích một câu nói của Albert Entein:

"I have no special talent. I am only passionately curious"


Hãy đọc kỹ và cùng suy ngẫm. Chúng ta sẽ tìm thấy được câu trả lời.

    Mới sinh ra bản năng của chúng ta là tìm "ti mẹ", rồi thực hiện việc đó rất nhiều lần đến mức "đam mê".

[Ở câu chuyện của tôi chia sẻ bên trên thôi nhé, tôi không biết bạn thế nào @@].

Còn một bẳn năng nữa sinh ra ai cũng có. Đó chính là "curiosity"!

    Ai mà chẳng tò mò chứ. Có "tò mò" (curiosity) rồi chúng ta mới bắt đầu đặt câu hỏi (inquire), khám phá nó, rồi dần thích nó (interest), thực hành nó (practice), rồi dần dần mới trở thành "đam mê" (passion). 

    Mỗi chúng ta sinh ra đã là khác biệt, đã là độc nhất. Vậy đam mê của mỗi người cũng sẽ là khác nhau. Nếu bạn cố gắng tham chiếu những người thành công, thì rất dễ là bạn cũng sẽ "copy" đam mê y chang của họ.

Hãy tìm đam mê cho chính mình!


    Chúng ta cần quan sát trong vô vàn những điều được bày ra trong cuộc sống, và nhìn nhận xem mình "tò mò" với điều gì (tất nhiên là với những điều có ích thôi nhé).

Sau đó chúng ta sẽ rút ra được những thứ chúng ta quan tâm, tìm hiểu về nó, thực hành nó. 

    Thử làm một thời gian mà vẫn chưa thấy thực sự thấy thích nó?  Khoan hãy từ bỏ. Bạn cần tự đặt một vài câu hỏi cho chính mình trước đã:

- Bạn đã làm nó với đủ lâu chưa? đã đủ sâu, đủ sự quyết tâm chưa?

    Thực tế, luôn có những ngưỡng cho bản thân. Chúng ta phải dần dần, tự mình vượt qua những cái ngưỡng đó. Chịu đau hơn một chút thì đâu có chết, cố gắng hơn một chút nữa nhưng rồi sẽ không hối hận sau này. Một khi chúng ta vượt qua được những "ngưỡng" của chính bản thân mình, thì bạn sẽ khám phá ra cả một kho báu ở chính nơi bạn.

Tin tôi đi, bạn có thể giỏi rất nhiều lĩnh vực hơn bạn nghĩ đấy ;)

    Còn nếu thực sự ta đã có câu trả lời, "đây không phải là công việc đam mê của tôi", và quyết định viết đơn xin nghỉ việc. Chúc mừng bạn đã can đảm làm một việc đúng đắn. Và hãy nhớ điều này!

Nếu làm tốt mà nghỉ việc, được gọi là bước tiến - "Move on".

Nếu làm tệ mà xin nghỉ việc, thì gọi là bỏ cuộc - "give up".

You can always move on, but don't give up :)

    Sẽ không ngạc nhiên nếu bạn chia sẻ với tôi, là bạn tìm thấy nhiều hơn một đam mê. Hãy cảm thấy hạnh phúc với điều đó, bởi vì có rất nhiều người ngoài kia không biết mình thực sự thích gì, đam mê điều gì.

=====================================

    Tìm được đam mê của mình rồi - đó mới chỉ là việc để bắt đầu câu chuyện chúng ta sẽ vẽ bức tranh cuộc đời mình thế nào? Hay nói cách khác là chúng ta muốn câu chuyện về cuộc đời chúng ta sẽ được kể lại như thế nào sau khi chúng ta không trên cõi đời này nữa. Bạn đã từng nghĩ đến điều đó chưa?

    Thực tế, có rất nhiều điều khác phải quan tâm trong cuộc sống. Chúng ta cũng cần một cuộc sống cân bằng nữa. Chẳng thể buông một câu đơn giản: 

    - "Em chỉ sống vì đam mê thôi!"

    Ngoài việc có những trải nghiệm cần thiết; theo tôi, chúng ta cần chuẩn bị cả "kiến thức", "tài chính" và "mindset" nữa.

Sẽ là rất tuyệt vời nếu đam mê mang lại tài chính cho chúng ta. Nhưng không phải là tất cả mọi người giống nhau, tất cả những đam mê đều mang lại nguồn tài chính tốt. 

Chúng ta nên có được tự do tài chính để có đủ phương tiện lo cho bản thân mình và gia đình. Bên cạnh đó là hàng loạt các kiến thức sâu rộng mà chúng ta cần liên tục học hỏi. Chúng ta cũng nên có growth mindset (tư duy cầu tiến) để hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Những vốn sống, tri thức ấy sẽ dần xây dựng nên nền tảng mindset vững chắc cho cuộc đời của chúng ta sau này.

    Khi có những nền tảng vững chắc về kiến thức, tài chính thì ít nhiều trong chúng ta sẽ khám phá ra được sứ mệnh (mission) của cuộc đời mình.

    Sự cho đi, chia sẻ là một điều rất tuyệt vời. Nói đến điều này, nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ đến từ thiện. Đúng!

    Nhưng sự cho đi và chia sẻ thực tế là nhiều hơn cả thế, nó có thể là kiến thức, những kinh nghiệm, những di sản của chúng ta để lại cho cuộc đời - Đó chính là tầng tháp cao nhất của hạnh phúc :)

leave this world a better place then we found it


Your friend (18/08/2021)